Khẩu độ, tốc độ và ISO là 3 yếu tố cơ bản mà ai mới theo đuổi đam mê nhiếp ảnh đều phải biết, hiểu và làm chủ một cách thuần thục, bởi chỉ có nắm vững 3 yếu tố này, bạn mới có thể đi xa hơn trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
1. KHẨU ĐỘ LÀ GÌ?
Một trong 3 thắc mắc gây đau đầu nhất cho những người mới bước chân vào nhiếp ảnh đó là khẩu độ là gì? Tốc độ màn trập là gì và ISO máy ảnh là gì.
Trong đó, khẩu độ có lẽ là yếu tố được quan tâm nhiều nhất bởi lẻ nó chính là yếu tố quyết định đến khả năng xóa phông của một ống kính.
Vậy Khẩu độ là gì?
Định nghĩa: Khẩu độ là độ mở của ống kính máy ảnh giúp điều tiết lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến của máy ảnh.
Máy ảnh điều chỉnh tăng giảm khẩu độ thông qua việc đóng hoặc mở các lá khẩu.
Những Ảnh Hưởng Của Khẩu Độ Đến Bức Ảnh Của Bạn
Độ phơi sáng – Exposure
Khẩu độ ảnh hưởng rất nhiều đến các hiệu ứng của một bức ảnh, trong đó có độ phơi sáng – Exposure.
Nói một cách đơn giản, khẩu độ giúp bạn điều chỉnh độ sáng của một bức ảnh.
Khi bạn mở khẩu lớn, lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến sẽ nhiều, giúp ảnh sáng hơn. Và ngược lại, khi mở khẩu bé, lượng ánh sáng vào đến cảm biến ít, khiến ảnh tối hơn.
Vì vậy, khi chụp ảnh ở những môi trường thiếu sáng, bạn nên mở khẩu lớn hết cỡ để thu được lượng ánh sáng nhiều nhất có thể.
2. TỐC ĐỘ MÀN TRẬP LÀ GÌ?
Tốc độ màn trập chịu trách nhiệm chính cho 2 thứ: độ sáng của bức ảnh và tạo hiệu ứng “bóng mờ” hoặc đóng băng chuyển động (freeze motion).
Màn trập là gì?
Màn trập, hay còn gọi là cửa trập, là lớp màn bằng kim loại được đặt trước cảm biến. Trong những máy ảnh mirrorless, màn trập luôn mở cho đến khi bạn bấm nút chụp.
Cách để thấy màn trập: Tháo lens > bấm nút chụp, bạn sẽ thấy 1 tấm kim loại xuất hiện che cảm biến lại.
Còn trong những chiếc DSLR, bạn sẽ khó nhìn thấy màn trập hơn, do cảm biến của máy nằm phía trên của gương lật.
Tốc Độ Màn Trập/Shutter Speed Là Gì?
Tốc độ màn trập (shutter speed) là khoảng thời gian màn trập mở để ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh, hay nói cách khác, là khoảng thời gian cần thiết để máy ảnh “chụp” một bức ảnh.
Thay đổi tốc độ màn trập sẽ tạo ra những hiệu ứng quan trọng trong nhiếp ảnh.
Những Hiệu Ứng Của Tốc Độ Màn Trập
Tốc độ màn trập thấp
Khi bạn để tốc độ màn trập thấp (chậm), máy ảnh cần nhiều thời gian hơn để tạo ra một bức ảnh. Điều này tạo ra Hiệu ứng làm mờ chuyển động – Motion Blur
Hiệu ứng này thường được dùng để mang lại cảm giác chuyển động cho bức ảnh. Rất thường thấy trong các bức ảnh quảng cáo ôtô!
Ngoài ra, tốc độ màn trập thấp còn được các nhiếp ảnh gia phong cảnh sử dụng để chụp ảnh phong cảnh, dòng sông, thác nước nhằm đem chuyển động của nước vào ảnh mà vẫn giữ được độ chi tiết của bức ảnh.
Tốc độ màn trập cao
Ngược lại, khi bạn sử dụng tốc độ màn trập cao (nhanh) sẽ tạo hiệu ứng đóng băng chuyển động (freeze motion).
Như tên gọi của nó, hiệu ứng này giúp bạn chụp được những chủ thể di chuyển nhanh một cách rõ nét, không bị mờ. Thậm chí bạn có thể chụp rõ nét một ly nước đang đổ – điều mà mắt thường không thể làm.
Tóm lại, tốc độ màn trập thấp sẽ làm tạo ra hiệu hứng bóng mờ, tạo cảm giác chuyển động cho bức ảnh. Trong khi, tốc độ màn trập cao sẽ làm đóng băng chuyển động, giúp chụp rõ nét những chủ thể di chuyển nhanh.
Xem thêm bài viết: 🚩 Tốc Độ Màn Trập là gì? Hiệu ứng, Tính năng và Cách sử dụng
3. ISO MÁY ẢNH LÀ GÌ?
Nói một cách dễ hiểu nhất, ISO máy ảnh là thông số giúp bạn tăng hoặc giảm độ sáng của bức ảnh. Khi bạn tăng ISO, bức ảnh sẽ sáng hơn. Và ngược lại, bức ảnh sẽ tối hơn nếu bạn giảm ISO.
Vì thế, ISO là một công cụ giúp bạn chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, cũng như giúp bạn thoải mái hơn trong việc điều chỉnh khẩu độ và tốc độ màn trập.
Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó.
Tăng ISO quá cao sẽ làm cho ảnh của bạn bị tình trạng sạn, nhiễu hay gọi cách khác là noise. Khiến bức ảnh không sử dụng được.
Nên hãy cân nhắc khi tăng ISO.
Bạn chỉ nên tăng ISO khi bạn không thể sử dụng khẩu độ hay tốc độ màn trập để tăng độ sáng bức ảnh. (ví dụ: Bạn chỉ nên tăng ISO khi đã mở hết khẩu nhưng vẫn thiếu sáng)
Các Giá Trị ISO Thường Dùng
Mỗi máy ảnh sẽ có một dải ISO khác nhau.
Thường là giá trị ISO thường chạy từ 100 – 12800, một số máy mirroless đời mới có thể lên đến 51200.
Những trị số ISO thường dù là:
- 100 (ISO thấp)
- 200
- 400
- 800
- 1600
- 3200
- 6400 (ISO cao)
Khi bạn tăng ISO lên gấp đôi, ví dụ từ 1600 lên 3200, thì độ sáng của bức ảnh cũng được tăng gấp đôi.
4. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA KHẨU ĐỘ – TỐC ĐỘ – ISO
3 yếu tố nêu trên gồm khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO là các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới độ sáng của ảnh và các hiệu ứng hình ảnh khác. Chúng liên quan mật thiết với nhau, khi đổi giá trị một yếu tố thì phải đổi luôn các yếu tố còn lại.
Bạn hãy mang máy ảnh của mình ra và chụp thử với nhiều thay đổi khác nhau để trải nghiệm sự khác biệt. Nhiếp ảnh là môn cần thực hành, và thực hành nhiều mới mang lại kiến thức vững chắc nhất.
Cùng nhìn lại bảng tóm tắt về Khẩu độ – Tốc độ – ISO
Khẩu độ (Aperture) – Hàng 1 / Tốc độ (Shutter) – Hàng 2 / ISO – Hàng 3
Thông số thay đổi từ trái qua phải, càng qua phải thì ảnh chụp ra càng sáng.
Tùy thuộc vào điều kiện môi trường ánh sáng, mục đích khác nhau mà ta lựa chọn thông số khác nhau.
Ví dụ về mối tương quan giữa Khẩu độ – Tốc độ – ISO
Trong điều kiện ban ngày với đầy đủ ánh sáng với mục đích chụp ảnh chân dung xóa phông:
- Khẩu độ cố định ở mức từ f1.4 đến f2.8
- ISO cố định ở mức cao nhất là ISO =100
- Tốc độ màn trập thay đổi cho phù hợp để bức ảnh đủ sáng.
Cũng trong điều kiện ban ngày với đầy đủ ánh sáng, nhưng mục đích là chụp phong cảnh:
- Khẩu độ cố định ở mức từ f8 đến f16
- ISO và tốc độ màn trập thay đổi cho phù hợp để bức ảnh đủ sáng.
Vậy trong điều kiện ban đêm thì sao?
Chụp ban đêm với ánh sáng yếu, sẽ khó khăn hơn cho việc điều chỉnh thông số cho phù hợp.
Chụp chân dung ban đêm, chụp noel, chụp bokeh
- Mở khẩu tối đa ở mức từ f1.4 đến f2.8 tùy theo thông số Lens cho phép.
- Tốc độ màn trập hạ xuống thấp nhất có thể, nhưng vẫn đảm bảo ảnh không bị rung lắc, thường là từ 1/125s cho đến 1/15s và cần hỗ trợ bằng Tripod.
- ISO để trên 1000, và tùy biến để bù trừ sao cho ảnh đủ sáng.
Như vậy là mình đã khái niệm cho bạn về 3 thông số cơ bản của nhiếp ảnh.
Việc tiếp theo bạn cần là thực hành càng nhiều càng tốt, việc thực hành chụp ảnh và điều chỉnh 3 thông số sẽ giúp bạn phản xạ nhanh hơn khi chụp ảnh thực tế.
Nguồn tham khảo: tosuphoto.com