Như phần trước mình chia sẻ Cách lựa chọn Máy ảnh và Ống kính để chụp trong Food Photography, phần này mình sẽ nói về Cách sử dụng ánh sáng và những thiết bị cần thiết phù hợp với từng điều khiện và hoàn cảnh khác nhau khi chụp đồ ăn.
Ánh sáng là linh hồn của một bức ảnh Food, Tại sao có những người chụp một bức ảnh rất đẹp nhưng có những người chụp hoài không đẹp, bạn chỉ cần hiểu rõ về ánh sáng và biết cách Setup, đôi khi chỉ một chút thay đổi về ánh sáng cũng giúp bức ảnh trông khác biệt hoàn toàn.

Trong Food Photography, ánh sáng đẹp là ánh sáng mà nguồn sáng có kích thước lớn. Nguồn sáng lớn sẽ giúp cho sản phẩm chụp ra được nổi khối và phần bóng đổ mềm mại hơn.
Ví dụ như khi bạn đứng giữa trưa trời nắng, bóng sáng sẽ rất gắt tạo thành những đường cắt trông không được đẹp như khi bạn chụp trong một buổi trời nhiều mây hoặc dưới một bóng râm.
VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO RA NGUỒN SÁNG LỚN?
Có 5 kiểu ánh sáng bạn bạn có thể sử dụng để chụp tùy theo loại ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo.
Gồm có:
- Chụp cạnh cửa sổ với ánh sáng tự nhiên.
- Sử dụng Diffuser khi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
- Sử dụng Diffuser với ánh sáng nhân tạo.
- Sử dụng Dù với ánh sáng nhân tạo.
- Sử dụng Softbox với ánh sáng nhân tạo.
CÁCH SỬ DỤNG NGUỒN SÁNG TRONG FOOD PHOTOGRAPHY
1. CHỤP CẠNH CỬA SỔ VỚI ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN.
Đây là cách phổ biến và đơn giản nhất mà hầu hết mọi người dùng để chụp Food Photography, bạn đơn giản chỉ là Setup Phông nền chụp ảnh và mọi thứ cạnh cửa sổ như hình, cửa số đóng vai trò như là một nguồn sáng lớn giúp bức ảnh trông mềm mại, tự nhiên nhất.

Bạn hãy sử dụng kết hợp với tấm hắt sáng (Reflector) để cân bằng độ sáng tối cho bức ảnh.
Nhược điểm của cách sử dụng ánh sáng cửa sổ là bạn không thể kiểm soát được thời tiết, sẽ có những lúc trời mưa, âm u, hoặc buổi chụp của bạn kéo dài đến lúc xế chiều… Lúc này ánh sáng sẽ bị ám màu và không còn đẹp nữa.
Thời điểm để chụp cạnh cửa sổ là từ 9h sáng đến 15h chiều vì lúc này mặt trời đang ở trên cao, nếu bạn chụp lúc sáng sớm hoặc chiều tối, ánh sáng mặt trời có thể chiếu trực tiếp vào cửa sổ, lúc này ta sẽ dùng phương pháp thứ 2.
2. SỬ DỤNG DIFFUSER KHI ÁNH SÁNG MẶT TRỜI CHIẾU TRỰC TIẾP.

Diffuser hay còn gọi là Tấm tản sáng, có thể là một tấm vải mỏng màu trắng. Diffuser có tác dụng giúp cho ánh sáng gắt trở nên dịu hơn.
Như mình đã nói ở trên, trong trường hợp chụp lúc mặt trời chiếu thẳng vào sản phẩm (Từ khoảng 6h-9h hoặc 15h-17h), hãy sử dụng Diffuser để tản bớt ánh sáng, hoặc bạn có thể dùng tấm màn che ngay cửa sổ thay cho Diffuser cũng được nhé.
Xem thêm
3. SỬ DỤNG DIFFUSER VỚI ÁNH SÁNG NHÂN TẠO.

Ánh sáng nhân tạo thường là các loại đèn sáng liên tục (Đèn Continuous), đèn Monolight chuyên dụng trong Studio hoặc đèn Speedlight thường gắn trên máy ảnh.

Bóng đèn nói chung có nguồn sáng khá bé, nên người ta thường tìm cách để tản nó ra, phổ biến và đơn giản nhất là dùng Diffuser.
- Ưu điểm là đơn giản, dễ sử dụng, dễ mang đi, sử dụng được với tất cả loại đèn.
- Nhược điểm là nó khá cồng kềnh lúc chụp, khó kiểm soát ánh sáng cũng như không được linh hoạt như Dù hoặc Softbox.
4. SỬ DỤNG DÙ VỚI ÁNH SÁNG NHÂN TẠO.

Dù được chia làm 2 loại: Dù phản và Dù xuyên
Dù phản như tên gọi của nó, dùng để phản lại ánh sáng, còn dù xuyên dùng để cho ánh sáng đi qua giống như Diffuser.
Cả 2 đều có tác dụng tản sáng khi dùng với các loại đèn, nhưng thông thường người ta vẫn hay dùng dù xuyên vì nó thuận tiện và dễ sử dụng hơn.
- Ưu điểm của dù là gọn nhẹ, bạn có thể mang tới bất kì đâu để thực hiện các shot hình hoặc đi chụp sản phẩm bên ngoài cho khách hàng.
- Nhược điểm là ánh sáng tản ra không đều, ánh sáng phần chính giữa dù sẽ mạnh hơn phần rìa, không đồng đều như Softbox.
5. SỬ DỤNG SOFTBOX VỚI ÁNH SÁNG NHÂN TẠO.

Softbox sử dụng kết hợp với đèn tạo ra loại ánh sáng trông giống như ánh sáng của cửa sổ.
- Ưu điểm là nó có thể thay thế ánh sáng tự nhiên của cửa sổ, dễ kiểm soát với cường độ ánh sáng mạnh hơn nhờ đèn Flash và không bị tác động từ môi trường bên ngoài như thời tiết. Bạn cũng có thể di chuyển chúng xung quanh để tạo ra hướng sáng theo ý muốn.
- Nhược điểm là nó khá cồng kềnh và bất tiện nếu như mang ra ngoài, nên người ta hay dùng cố định trong Studio trừ những buổi chụp bên ngoài cần sự chuyên nghiệp, ngoài ra chi phí để đầu tư cũng cao hơn.
Xem thêm
TỔNG KẾT
Trên đây là 5 cách sử dụng nguồn sáng cơ bản và phổ biến mà các Food Photographer thường dùng để chụp Food. Ngoài ra có những cách sử dụng ánh sáng Nâng cao khác mà mình sẽ viết trong các bài khác.
Lưu ý trong tất cả các trường hợp, Reflector hay Tấm hắt sáng là vật dụng không thể thiếu giúp cân bằng ánh sáng, nhất là trong trường hợp bạn chỉ sử dụng 1 nguồn sáng.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu được cơ bản về nguồn sáng và cách thức sử dụng tùy theo điều kiện cụ thể để chụp Food.
Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại trong những phần tiếp theo nhé.