Bố cục là 1 trong những yếu tố quan trọng và cần thiết khi chụp Food Photography. Sau nhiều năm thực hành, mình ước rằng mình hiểu về bố cục sớm hơn, bởi nó sẽ giúp bức ảnh của bạn lên 1 tầm cao mới.
Bố cục thậm chí còn kể cho ta nhiều câu chuyện, một bố cục tuyệt vời sẽ giúp bức ảnh đồ ăn trông cũng tuyệt vời.
Chỉ cần bạn biết cách sắp xếp sao cho hợp lý, thì từ một bức ảnh nhàm chán trở nên đẹp hơn.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn 5 mẹo cơ bản về bố cục để chụp Food, còn nhiều kỹ thuật về bố cục khác nữa nhưng hôm nay chúng ta chỉ tập trung vào những điều cơ bản thôi nhé.
Các đối tượng trong bức ảnh là gì?
Đó là những phụ kiện chụp ảnh được sử dụng trong bức ảnh nhằm tạo nên sản phẩm cuối cùng. Với một bố cục tốt, sẽ hướng mắt người xem đến chủ thể chính trong bức ảnh.
Với một bố cục tốt, thì những phụ kiện chụp ảnh trông nhàm chán nhất cũng có thể làm cho bức ảnh trông đẹp hơn. Và ngược lại, với một bố cục tệ thì cho dù phụ kiện chụp ảnh có đẹp đến mấy cũng không thể thu hút người nhìn.
Khi nói đến bố cục, đôi khi nó xảy ra một cách tự nhiên dựa vào phong cách và kinh nghiệm của bạn. Tuy nhiên, với những người mới bắt đầu chụp ảnh, việc hiểu về nguyên tắc trong bố cục chụp Food lại khá quan trọng. Nó không có nghĩa là bạn phải áp dụng một cách máy móc, nhưng mình tin rằng nó là hành trang quan trọng để giúp bạn phát triển hơn sau này.
5 QUY TẮC BỐ CỤC TRONG FOOD PHOTOGRAPHY
1. Quy tắc một phần ba
Quy tắc đầu tiên là quy tắc một phần ba, trong đó, một bức ảnh được chia thành chín phần và các yếu tố quan trọng nhất (Chủ thể) phải được đặt dọc theo các đường này hoặc các giao điểm của chúng.
Việc căn chỉnh chủ thể trong ảnh cạnh những điểm này sẽ tạo ra một bức ảnh có sức nặng, thú vị và bắt mắt hơn so với khi bạn đặt chủ thể ở ngay giữa ảnh. Việc đặt chủ thể ở giữa có thể tạo ra sự căng thẳng không cần thiết cho bức ảnh.
Trong ví dụ dưới đây, mình quyết định lấy nét ly sinh tố ở vị trí 2/3 dọc theo các đường màu đỏ và các giao điểm.
Việc phá vỡ các quy tắc một phần ba không có nghĩa là bức ảnh bị “sai”. Luôn có những ngoại lệ đối với những quy tắc chung này, chẳng hạn trong bức ảnh dưới đây, mình muốn làm cho món Salad trở thành tiêu điểm chính của bức ảnh mà không có bất kỳ sự “phân tâm” nào với rất ít sự sắp đặt. Mặc dù mình thích những kiểu ảnh này, nhưng thật khó để kể một câu chuyện với cách tiếp cận như vậy.
Mình nghĩ quy tắc một phần ba là một trong những quy tắc phổ biến nhất cho bố cục, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải luôn tuân theo chúng. Vẫn có những quy tắc khác đáng để bạn thử nghiệm chẳng hạn như Tỷ lệ vàng. Cho dù bạn áp dụng cách nào, thì hãy nhớ những điều sau:
Đảm bảo các đối tượng trong ảnh không chiếm quá 75% khung ảnh. Và các đối tượng đó không đặt ở giữa khung ảnh.
Đây là “Quy tắc” mà mình áp dụng rất nhiều lần. Đôi khi nó là quy tắc một phần ba điển hình và thậm chí nó còn đơn giản hơn nhiều.
2. Quy tắc con số lẻ
Các con số đóng vai trò rất quan trọng trong bố cục. Trong lĩnh vực Stylist chụp Food, người ta thường dùng những con số lẻ bởi chúng thường tạo bố cục tốt hơn. Vì vậy mà “3 cái đĩa”, “3 cái ly” thường tạo ra bố cục tốt hơn là 2 cái.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một kiểu công thức giúp cho người mới thực tập, chứ không hẳn bạn phải áp dụng một cách quá máy móc, đội khi 2 hoặc 4 cũng vẫn rất tốt.
Nhưng phải thừa nhận rằng các con số lẻ (3 hoặc 5 đối tượng) thường tạo ra bố cục chắc chắn hơn so với số chẵn (2 hoặc 4 đối tượng).
Giả sử bạn chỉ có hai chiếc đĩa phù hợp hoặc chỉ làm 2 món ăn, thì đừng lo lắng bởi bạn có thể thêm vào một đối tượng phụ như nguyên liệu hoặc ly nước để tạo thành bố cục số lẻ.
Ví dụ dưới đây (Hình bên trái) là ảnh 2 món ăn được chụp kèm với các nguyên liệu, phụ kiện chụp ảnh khác tạo thành bố cục số lẻ với 5 nhóm đối tượng. Hình bên phải tuy là 2 miếng bánh, nhưng chúng được đặt sát nhau tạo thành 1 cụm với kiểu bố cục số lẻ là 1.
3. Quy tắc đường dẫn
Khi chụp ảnh nói chung, mình luôn chú ý các đường dẫn, như trong lĩnh vực nhiếp ảnh phong cảnh hoặc kiến trúc, chúng tạo hiệu ứng rất mạnh mẽ. Đường dẫn tạo chỉ dẫn giúp mắt người xem biết nên nhìn về đâu để biết được chủ thể chính trong bức ảnh.
Trong lĩnh vực chụp Food cũng như vậy, khi bố cục cho món ăn, mình luôn sắp xếp mọi thứ theo đường chéo và nghĩ đến các đường dẫn trong bức ảnh.
Trong bức ảnh đầu tiên, chiếc đĩa được đặt hơi nghiêng một chút, như vậy sẽ tạo cảm giác dễ chịu hơn khi nhìn vào, nó loại bỏ cảm giác căng thẳng, tạo ra một dòng chảy mềm mại, mắt của bạn sẽ được dẫn dắt một cách rất tự nhiên.
Bức ảnh thứ 2 tuy món ăn được đặt hơi thẳng đứng, nhưng nhờ họa tiết sọc của những chiếc khăn lót, mà bức ảnh trông được liền mạch hơn.
4. Quy tắc khoảng trống
Khoảng trống, hay không gian âm trong tiếng anh là Negative Space, là một vùng khoảng không gian trống, hay khoảng thở trong nhiếp ảnh. Khoảng trống được đặt vào để giúp chủ thể trông nổi bật hơn.
Đôi khi việc chụp cận cảnh hoặc setup quá nhiều phụ kiện chụp ảnh sẽ làm cho bức ảnh trông ngột ngạt, trừ khi bạn muốn thể hiện chi tiết và những nguyên liệu của món ăn.
Việc sử dụng khoảng trống làm cho bức ảnh trông dễ nhìn và kể được nhiều câu chuyện, nếu biết cách sử dụng đúng, nó sẽ không đơn điệu như bạn nghĩ.
5. Quy tắc kể câu chuyện
Một bức ảnh hấp dẫn là một bức ảnh có câu chuyện để kể.
Kể chuyện trong Food không cần thể hiện quá nhiều câu chuyện, vì có thể khiến người xem bị phân tâm, ví dụ như
- Cảnh đồ ăn được bày biện tuyệt đẹp trên một chiếc bàn kiểu nhà hàng sang trọng.
- Hay việc bạn chụp cận cảnh một chiếc bánh thơm phức mới ra lò.
- Hay cảnh một người đầu bếp đang thao tác gì đó trên món ăn.
- Cảnh một người phục vụ đang bưng bê đồ ăn đến thực khách.
- Hay cách bạn sắp xếp các nguyên liệu xung quanh món ăn để thể hiện rằng món ăn vừa mới được nấu,…
Trong ví dụ dưới đây, mình chỉ sử dụng một cái muỗng quẹt 1 đường, tạo thêm chút điểm nhấn thay vì chỉ chụp hộp kem một cách đơn điệu.
Đây là cách kể chuyện đơn giản và tinh tế nhất mà bạn có thể áp dụng, hãy thử quẹt 1 miếng, cắt 1 miếng, bẻ 1 miếng, làm rơi vãi lên bàn ăn, hoặc làm gì đó đang dở dang… Điều này tuy đơn giản nhưng tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn nhiều.
Tổng kết
Như mình cũng nói ở trên, các quy tắc cũng chỉ là phần định hướng giúp bạn có cái nhìn tốt hơn về bố cục.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc cốt lõi mà bạn nên nhớ, bất kể bạn chụp gì, hay áp dụng bất kỳ quy tắc về bố cục nào, đó là “Một bố cục tốt sẽ làm cho bức ảnh trông liền mạch và dễ nhìn”.
Trong bức ảnh dưới đây, mình sử dụng bố cục số lẻ với 5 cụm đối tượng, kết hợp với bố cục khoảng trống, nếu để ý bạn sẽ thấy hướng của muỗng ăn, hướng của những lát dâu tây đều tạo nên kiểu bố cục đường dẫn. Nên việc kết hợp nhiều quy tắc sẽ làm cho bức ảnh trông tuyệt vời hơn.
Những người xem, họ cảm nhận bức ảnh với cảm xúc chứ không quá chú ý đến ý đồ của người chụp. Nên đôi khi một bố cục tốt, với những quy tắc được áp dụng đúng, nhưng nhìn không thuận mắt thì lại thành bố cục xấu.
Hãy cố gắng làm cho bức ảnh trông thật tự nhiên, và tìm cách kể được câu chuyện trong mỗi bức ảnh, bằng việc thực hành thường xuyên sẽ giúp nâng cao kĩ năng hơn.
Chúc bạn thành công, ngoài ra bạn có thể tham khảo các sản phẩm phụ kiện và phông nền chụp ảnh của Nai Decor để chụp được nhiều bức ảnh đẹp nhé.
Bản dịch từ thegreencreator.com