I. FOCUS STACKING LÀ GÌ?
Focus Stacking (viết tắt FS) là kỹ thuật chụp xếp chồng nhiều bức ảnh với nhiều vị trí lấy nét khác nhau, sau đó dùng kỹ thuật xử lý hậu kì để ghép chúng lại thành một bức ảnh có độ sâu trường ảnh lớn với độ sắc nét hoàn hảo.
Focus Stacking cũng gần giống như kỹ thuật chụp ảnh HDR (chụp nhiều tấm với nhiều độ sáng tối khác nhau) , còn kỹ thuật FS là chụp nhiều tấm với nhiều điểm lấy nét khác nhau, nhưng vân giữ nguyên các thông số về ánh sáng.
II. TẠI SAO PHẢI CẦN DÙNG ĐẾN FOCUS STACKING?
Do giới hạn về ống kính thiết bị, nên trong nhiều trường hợp, bạn không thể chụp một bức ảnh đủ nét từ đầu đến cuối. Độ sâu trường ảnh (DOF) thông thường sẽ dao động quanh từ F1.2 đến F22, nên với F22 là giới hạn mà ống kính có thể tạo ra.
FS sẽ phù hợp với một số lĩnh vực nhiếp ảnh, cụ thể:
- Khi bạn muốn chụp một bức ảnh sản phẩm đủ nét ở mọi chi tiết, từ xa tới gần. Độ nét hoàn hảo rất cần thiết để sử dụng trong nhiếp ảnh quảng cáo với những chi tiết đòi hỏi phải đủ nét để phóng lớn.
- Khi phải chụp những sản phẩm nhỏ như Trang sức (Nhẫn, bông tai, dây chuyền), Đồng hồ, hoặc những sản phẩm nhỏ khác.
- Khi bạn Chụp ảnh Macro những con vật nhỏ như côn trùng. Ống kính khi chụp thông thường chỉ đủ nét 1 phần trên cơ thể chúng. Với Focus Stacking, đối tượng là côn trùng sẽ sắc nét từ đầu đến chân, nét từng ngóc ngách trên cơ thể chúng, trông như một bức ảnh được tạo ra từ sản phẩm 3D.
- Khi Chụp ảnh phong cảnh muốn đủ độ nét từ xa tới gần, để khi phóng to ra, bức ảnh phong cảnh sẽ trông thật đẹp mắt.
FS sẽ KHÔNG phù hợp với lĩnh vực nhiếp ảnh nào?
Những vật thể chuyển động như con người, xe cộ, động vật không thể sử dụng kỹ thuật Focus Stacking, kỹ thuật này chỉ phù hợp với vật thể cố định, bất động. (Chụp côn trùng sử dụng được kỹ thuật này bởi chúng đã c.h.ế.t trước khi được đưa vào ống kính)
III. CẦN NHỮNG THIẾT BỊ NÀO ĐỂ CHỤP FS?
- Bạn cần một thiết bị chụp ảnh cụ thể là Máy ảnh DSLR và Lens máy ảnh có chức năng điều chỉnh các thông số thủ công bằng tay. Điện thoại thông thường sẽ khó sử dụng hơn bởi chúng là cơ chế lấy nét tự động, bạn sẽ rất khó kiểm soát được điểm lấy nét.
- Chân máy ảnh (Tripod), giúp cố định góc chụp, để bạn chụp được nhiều tấm ảnh trong cùng 1 khung hình.
- Phần mềm Photoshop dùng để chỉnh sửa hậu kì.
IV. QUY TRÌNH CHỤP ẢNH FOCUS STACKING
a. Chụp ảnh Phong Cảnh
Có 2 trường hợp bạn sẽ cần đến kỹ thuật FS khi chụp ảnh Phong cảnh.
Trường hợp 1 là khi chụp ống kính góc rộng với Tiền cảnh và Hậu cảnh đều đẹp, và bạn muốn lấy nét được cả 2 trong cùng 1 bức ảnh.
Trường hợp 2 là khi bạn chụp ảnh phong cảnh bằng ống kính Tele và đối tượng cần chụp có độ sâu trường ảnh lớn.
Một số Bước cần thiết để chụp ảnh Phong cảnh với kỹ thuật FS
- Bước 1: Đặt máy ảnh lên chân máy, chọn đối tượng cần chụp, bố cục bức ảnh và cố định khung hình.
- Bước 2: Đặt các thông số về chế độ thủ công (Khẩu độ, Tốc Độ, ISO, Cân bằng trắng), điều chỉnh về chế độ lấy nét bằng tay. Ngoài ra, chuyển về chế độ Live view sẽ giúp bạn dễ tìm điểm lấy nét chuẩn.
- Bước 3: Lần lượt chọn từng điểm lấy nét mà bạn muốn và bấm chụp. Ví dụ Chụp 1 bức ảnh Lấy nét Tiền cảnh (Hoa lá, cây cối, Đá, Động vật,…), Chụp 1 bức ảnh Lấy nét Hậu Cảnh (Mây trời, Đồi núi,…), Chụp 1 bức ảnh Lấy nét ở khoảng giữa Tiền cảnh và Hậu Cảnh.
Thông thường, bạn chỉ cần chụp 3 bức ảnh với 3 vị trí lấy nét là đủ cho một bức ảnh phong cảnh đủ sắc nét. Ngoài ra để đảm bảo bức ảnh nét ở nhiều vị trí hơn, bạn có thể chụp thêm ảnh để làm tài liệu cho phần hậu kì.
b. Chụp ảnh Macro
Ảnh Macro hay chụp ảnh Vi mô, là kỹ thuật chụp những đối tượng nhỏ hoặc siêu nhỏ với Lens Macro chuyên dụng.
>> Xem thêm: Top 8 Lens Macro Tốt Nhất 2023
Thông thường khi chụp ảnh Macro, Độ sâu trường ảnh (DOF) rất nông, cho dù bạn có mở rộng DOF hết cỡ. Nên kỹ thuật Focus Stacking rất cần thiết.
Một số bước cần thiết để chụp ảnh Macro với kỹ thuật FS
- Bước 1 và 2 cũng tương tự như chụp Phong Cảnh ở trên
- Ở Bước 3: Mỗi bức ảnh là một điểm lấy nét, lần lượt di chuyển điểm lấy nét từ gần ra xa và chụp từng tấm một, mỗi điểm lấy nét cách nhau đến từng Milimet. Lưu ý là phải đảm bảo cố định khung ảnh với chân máy.
Với ảnh Macro, tùy thuộc vào đối tượng bạn chụp mà cần số lượng tấm ảnh khác nhau, với càng nhiều điểm lấy nét thì bức ảnh cho ra càng chất lượng.
V. CHỈNH SỬA HẬU KÌ BẰNG CÔNG CỤ PHOTOSHOP
Sau khi đã có những bức ảnh chụp thô, chúng ta sẽ tiền hành chỉnh sửa hậu kì cho bức ảnh bằng công cụ Photoshop bằng cách ghép tất cả ảnh chụp vào làm một.
Các Bước Ghép ảnh bằng công cụ trên Photoshop
- Mở phần mềm Photoshop, chọn File > Scripts > Load files into the stack
- Hộp thoại mở ra, bấm vào nút Browse… để mở các file bạn đã chụp, Nhớ tích chọn Attempt to Automatically Align Source Images để tự động căn chỉnh các tấm ảnh cho khớp với nhau. Nhấn OK
- Ở bảng chọn Layers, bạn chọn tất cả Layer rồi vào menu Edit > Auto-Blend Layers
- Một hộp thoại sẽ mở ra, bạn Tích chọn Stack Images, chọn Seamless Tones and Colors và Content Aware Fill Transparent Areas, sau đó nhấp OK và đợi phần mềm chạy.
- Sau khi phần mềm chạy xong sẽ hiện nhiều lớp Layer, chọn menu Layer > Flatten Image và Lưu lại là xong.
VI. LỜI KẾT
Focus Stacking là một kỹ thuật tuyệt vời để chụp một bức ảnh sắc nét. Tất cả những gì bạn cần là chọn điểm lấy nét ở nhiều vị trí để tạo ra nhiều tấm ảnh sau đó ghép chúng lại thành một.
Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia chụp Phong Cảnh, Chụp Macro động vật hoặc Chụp ảnh Thương Mại hãy thử ứng dụng kỹ thuật này vào, mình hy vọng bạn sẽ chụp được những bức ảnh độc đáo mà không phải ai cũng chụp được.